• Liên Thành Thương Quán được thành lập 1906 để hưởng ứng lời kêu gọi Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh.

    Qua hơn 100 năm, sứ mệnh Duy Tân của Liên Thành đã hết, nhưng tinh thần dân tộc vẫn không mất đi

    mà được cẩn thận giữ gìn trong hương vị tinh túy Việt của từng giọt nước mắm mà bạn có thể cảm nhận.

  • Lịch sử hình thành

    Lịch sử ra đời và phát triển

    Cách đây 100 năm, ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh. Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Liên Thành là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh Phan Thiết, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học

    I- Lịch sử Liên Thành:

    Cách đây 100 năm, ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh. Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Liên Thành là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh Phan Thiết, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học. Và cũng chính Liên Thành góp phần tổ chức, gíup đỡ tài chính cho nhà ái quốc Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và sang Pháp.
    Ta thấy ngay sự sáng suốt của tiền nhân khi muốn khởi đầu sự nghiệp kinh tế lớn của Quốc gia bằng chén nước mắm. Miền Trung đồng ruộng hẹp, công cuộc buôn bán lớn đều nằm trong tay người Tàu, người Pháp, làm sao tranh thương nổi với họ. Đặc biệt nguyên liệu chế biến nước mắm với trữ lượng lớn đầy ấp biển Phan Thiết.
    Sáu vị sáng lập viên đầu tiên gồm các nhà tri thức Nho học, Tây học, quan lại viên chức cả ở Trung và Nam Kỳ đồng chí, đồng lòng, với lòng yêu nước, góp của, góp công sức, vượt bao khó khăn để thành lập và phát triển thương hiệu Liên Thành vững bền, uy tín trong lòng người tiêu dùng từ trước đến nay.

    II. Những Người Sáng Lập Gồm:

    1- Nguyễn Trọng Lội (1871-1911) và Nguyễn Qúy Anh (1881-1938) là con trai cụ Nguyễn Thông. Cụ Nguyễn Thông quê ở Long An, năm 1849 đỗ Cử nhân, ra làm quan ở Cần Thơ. Khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông tham gia chống Pháp. Khi Nam Kỳ thuộc Pháp, ông di cư ra Bình Thuận lập ra Bình Châu xã và dựng một tòa nhà nhỏ gọi là Ngoạ Du Sào để ở (nay thuộc khu di tích Dục Thanh).

    2- Hồ Tá Bang(1875-1943), quê ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, tham gia phong trào Duy Tân, nhưng cũng là người ái mộ cụ Phan Bội Châu.

    3- Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), quê gốc ở Nghệ An, tham gia phong trào Cần Vương, sau vào Phan Thiết làm trợ giáo.

    4- Trần Lệ Chất (1866-1968), quê ở Thanh Hà, Hà Tỉnh, tham gia phong trào Văn Thân của Phan Đình Phùng. Sau khi phong trào Văn Thân thất bại, năm 1895 ông ra làm việc với Pháp. Do biết chữ Pháp và chữ Hán ông được xếp vào ngạch Cao đẳng nhân viên là ngạch cao nhất của người bản xứ.

    5- Ngô Văn Nhượng. quê ở Bình Thuận, là thừa phái, có công góp phần bảo vệ Công ty Liên Thành lúc mới thành lập.

    Liên Thành có nghĩa là Thành Hoa Sen, nguyên là tên lịch sử của Hòa Đa, là thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận, tượng trưng cho người quân tử. Chọn cái tên này các thân hào nhân sĩ muốn truyền cái tâm trong sạch như Hoa Sen vươn lên từ bùn lầy trong bối cảnh nước mất nhà tan của thời kỳ đầu thế kỷ.

    Con Voi: hình ảnh tượng trưng cho bầy đàn, quần thể. Biểu tượng Con Voi Đỏ thể hiện tinh thần đoàn kết, tấm lòng son sắt trước sau như một của dân tộc Việt Nam.

    III- Quá trình phát triển:

    – 1906 – 1916: khởi nghiệp và mở rộng các phân cuộc ở Đức Thắng, Huy Long, Phú Hào, Mũi Né và Phan Rí thuộc Phan Thiết

    – Năm 1917: Dời Tổng cuộc (trụ sở chánh) vào phân cuộc Chợ Lớn, hiện nay là số 3-5 Châu Văn Liêm. Đây là nơi Bác Hồ có nghỉ lại trước khi ra đi tìm đường cứu nước, và đã được công nhận là di tích lịch sử.

    – Năm 1917: trong khi mướn phố ở Chợ Lớn, Liên Thành mua một sở nhà cũ ở Vĩnh Hội (cũng gọi là Khánh Hội nay là Bến Vân Đồn) để làm vựa nước mắm.

    – Năm 1922: Tổng cuộc ở Chợ Lớn phí tổn quá nặng, tiền mướn phố rất đắt, Hội đồng quản trị quyết định xây nhà cũ ở Vĩnh Hội và trả lại phố ở Chợ Lớn, Tổng cuộc Liên Thành chính thức ở 243 Bến Vân Đồn và hiện nay cũng là trụ sở chính của Công ty Liên Thành.

    – Năm 1975: Sau giải phóng Công ty Liên Thành được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thêm 9 hãng nước mắm tư nhân để lại lập nên “ Xí nghiệp Quốc doanh Nước mắm Liên Thành”.

    – Năm 1990: để thích nghi với nền kinh tế thị trường, Xí nghiệp được đổi tên là “ Xí nghiệp chế biến thủy hải sản Liên Thành”.

    – Năm 2001: chuyển thành Công ty Cổ phần đến ngày nay.

    Trụ sở văn phòng công ty 243  Bến Vân Đồn - Quận 4

    Trụ sở văn phòng công ty 243 Bến Vân Đồn – Quận 4

    IV – Liên Thành gắn liền với tinh thần cách mạng và yêu nước:

    – Năm 1907 Trường Dục Thanh được lập nhờ nhà của ông Nguyễn Trọng Lội là người sáng lập viên Công ty Liên Thành có cổ phần lớn nhất, ông còn hiến 10 mẫu đất lấy huê lợi từ đó trang trải cho hoạt động của Trường và học phí của học sinh. Học sinh ở đây được học những nội dung, tư tưởng tiến bộ, được giáo dục tinh thần yêu nước, trường Dục Thanh đã chú trọng việc dạy chữ Quốc ngữ, Thầy giáo dạy ở đây có nhiều người nổi tiếng như Lương Thúc Kỳ, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Đình Phiên… đặc biệt người thanh niên Nguyễn Tất Thành, cũng đã từng dạy ở trường này một thời gian trước khi vào Sài Gòn trên đường bôn ba tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh được mở mặc dù chỉ tồn tại từ năm 1907 đến năm 1911, nhưng đã để thể hiện quyết tâm nâng cao dân trí cùng với chăm lo con đường phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu dân chủ tự cường, là thành công lớn của phong trào Duy Tân ở Bình Thuận, công sức chính và nòng cốt là của những người sáng lập viên Liên Thành.

    Một đóng góp hết sức có ý nghĩa của Liên Thành đó là sự giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết đến khi ở Sài Gòn trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Đó là ngày 19/9/1910 Nguyễn Tất Thành đã tạm biệt trường Dục Thanh, được ông Trương Gia Mô, Ông Hồ Tá Bang, Ông Trần Lệ Chất giúp đỡ chuẩn bị cho Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn với tên Văn Ba. Nơi Nguyễn Tất Thành ở tại Sài Gòn cũng chính là cơ sở của Liên Thành. Nguyễn Tất Thành đã ở đây cho đến tháng 06/1911. Đó là địa chỉ số 1-2-3 Quai Testard, đến năm 1915 đường này đổi tên là Tổng Đốc Phương đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/1/1988. Ông Võ Ngọc Tựu đã từng làm kế toán ở Công ty Liên Thành 37 năm cho biết trước khi Nguyễn Tất Thành lên tàu tìm đường cứu nước, Liên Thành đã tặng cho Nguyễn Tất Thành 18 đồng bạc Đông Dương. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa của Liên Thành.

    Chúng ta có thể nhận thấy rằng: những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, xã hội Việt Nam ở trong thời kỳ khủng hoảng khá sâu sắc trước chính sách cai trị của thực dân Pháp với bộ máy chính quyền tay sai là quan lại thối nát. Chủ quyền dân tộc và độc lập dân tộc bị thực dân Pháp tước bỏ, nhiều nhân sĩ, sĩ phu yêu nước đứng trước vận mệnh như vậy đã mang lòng nhiệt huyết và tâm trí của mình tìm con đường cứu nguy cho dân tộc. Nhiều phong trào với những xu hướng khác nhau muốn canh tân đất nước để tìm thời cơ giành lại dân chủ, dân quyền và độc lập dân tộc. Phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh là một phong trào đã có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ, Liên Thành là một cơ sở đã được gây dựng và phát triển của nhà yêu nước Phan Châu Trinh với tinh thần đề cao dân tộc, dân quyền, dân chủ với việc nâng cao dân trí thu dụng người tài, bồi dưỡng dân khí, đó là những việc nhằm nâng cao tinh thần và nghị lực, tính tự chủ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

    V- Liên Thành với phong cách kinh doanh mới

    Liên Thành cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sớm biết tổ chức kinh doanh đa ngành, đa cấp nhằm chống cạnh tranh , tận dụng được phế phẩm để chế biến thành phẩm mới qua việc kinh doanh phân bón nhãn hiệu con voi đỏ mang lại lợi nhuận cao. Liên Thành tập trung vào thế mạnh để phát triển, và các nhà tư sản khác như tư sản Hoa Kiều, tư bản Pháp không thể cạnh tranh được. Ý tưởng tập trung vào thế mạnh để kinh doanh, sản xuất của Công ty Liên Thành từ thế kỷ trước, nay đã trở thành chỉ nam hành động của các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty Liên Thành là doanh nghiệp trong nước đầu tiên chú ý đến việc mở rộng ảnh hưởng, uy tín của mình không chỉ trong nước mà cả bên ngoài như gửi sản phẩm ra hội chợ Hà Nội năm 1918, dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Macxây-Pháp năm 1922, vấn đề dưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nước mắm, phân cá, lập phòng hoá nghiệm, bảo quản chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái, đào tạo nhân viên kỹ thuật, quan hệ với hãng Kubota Nhật Bản để được giúp đỡ trang bị máy móc, huấn luyện kỹ thuật viên, mở phân xưởng sửa chữa thủy động cơ, làm đại lý bán động cơ thuyền hộ ở Bình Thuận, Phan Thiết. Ngày nay, những hoạt động ban đầu của Liên Thành đã phát triển ở tầm cao mới, mang lại những giá trị to lớn mà cội nguồn của nó không ai khác ngoài Liên Thành.

    VI- Tri ân

    Lịch sử tồn tại và phát triển của Công ty Liên Thành với sự tác động của hoàn cảnh lịch sử và thương trường đã cho thấy Liên Thành đã từng trải biết bao gian nan và thử thách để tồn tại và phát triển.

    Thực ra, dầu thân xác của Liên Thành đến nay có vài thay đổi, song thực tế sau năm 1975, linh hồn của nó không còn tồn tại. Linh hồn đây là nói những người có công trực tiếp kế thừa sự nghiệp của những nhà sáng lập. Riêng về lịch sử không ai nghĩ nó sẽ có ngày sống lại, và bước những bước đi vẻ vang của nó.
    Bằng tất cả tấm lòng và công sức của chính mình, chúng tôi toàn thể cán bộ công nhân viên Liên Thành quyết tâm khôi phục lại phần linh hồn của Liên Thành và hôm nay bằng tấm chân tình của mình chúng tôi bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân đã khai sinh ra Công ty Liên Thành, để lại cho đời sau một thương hiệu 100 năm nước mắm Liên Thành. Đây là một tài sản không của riêng ai mà đã thuộc về dân tộc Việt Nam.

    Trong chén nước mắm kỷ niệm phản chiếu hình bóng uy nghi của những người xứng đáng gọi là Chính trị gia, Duy tân gia chân chính, một lòng vì dân, vì nước.

    VII – Các ngày kỷ niệm:

    1- Ngày 06 tháng 06 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập công ty.

    2- Ông Nguyễn Trọng Lội vì công việc bài trí và khai thác Mũi Né thường phải ra vô. Đi đường bộ theo gành đá quanh co đến 33 cây số, có lần nữa đêm mới đến nơi. Sau này, con đường đỗ đá rút còn 22 cây số. Vì chuyện lo việc Liên Thành quá sức mệt nhọc nên ngày 17/06/1911 Tân Hợi ông lâm bệnh từ trần. Công ty Liên Thành mỗi năm lấy ngày 17 tháng 06 Âm lịch làm ngày kỵ khai canh và làm hiệp tế các vị sáng lập. Chúng ta cũng lấy ngày này làm ngày giỗ các nhà sáng lập và những người có công trực tiếp kế thừa sự nghiệp công ty Liên Thành nay đã khuất.