• Liên Thành Thương Quán được thành lập 1906 để hưởng ứng lời kêu gọi Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh.

    Qua hơn 100 năm, sứ mệnh Duy Tân của Liên Thành đã hết, nhưng tinh thần dân tộc vẫn không mất đi

    mà được cẩn thận giữ gìn trong hương vị tinh túy Việt của từng giọt nước mắm mà bạn có thể cảm nhận.

  • Câu hỏi thường gặp

    Tôi nghe nói nếu biết sử dụng dấm đúng cách sẽ có nhiều tác dụng chữa bệnh. Xin hỏi những chất gì trong dấm có tác dụng trong phòng và chữa bệnh.

    Do trong thành phần của dấm chủ yếu là axit acetic nên có công dụng diệt khuẩn cao, ngoài ra còn có một số axit hữu cơ như axit latíc, axit malic, axit citric… nên có thể phòng trị một số bệnh hiệu quả như viêm gan, xơ gan, bệnh hô hấp, bệnh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt…Dấm còn có tác dụng tăng tính đàn hồi, chậm lại thời kỳ lão hóa của da; trộn dấm cùng với các loại rau quả thành món salát giúp bạn ăn ngon miệng hơn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cho 1 ít dấm vào thực phẩm trước, trong khi chế biến không chỉ làm cho món ăn thêm ngon mà còn giữ được chất canxi, các vitamin được ổn định, không bị phân hủy do nhiệt nên các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm vẫn giữ nguyên. Những người có bệnh nhiễm liên cầu khuẩn, nhiễm song cầu khuẩn gây viêm phổi, nhiễm cầu khuẩn hình chùm nho trắng, cảm cúm thì nên dùng dấm nhiều hơn. Uống chút dấm còn có thể trừ được cả giun đũa trong đường ruột, phòng tránh bệnh truyền nhiễm ở đường ruột. Tuy nhiên không nên lạm dụng nhất là những người mắc bệnh dạ dày đa toan nếu dùng nhiều quá sẽ không có lợi.

    Nguồn tin: (Theo Sức khỏe và Đời sống)

    Chọn nước mắm ngon có lợi cho sức khỏe

    Hiện có hơn 95% hộ gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm trong các bữa ăn hằng ngày. Trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 200 triệu lít nước mắm được tiêu thụ. Nước mắm có rất nhiều công dụng, nó thích hợp với nhiều món ăn và không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt Nam.

     

    Độ đạm càng cao, nước mắm càng ngon

    Khi khoa học ngày một phát triển, đời sống của người dân càng được nâng cao thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng thực phẩm được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Việc lựa chọn nước mắm của người tiêu dùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên vấn đề cốt lõi trong việc lựa chọn nước mắm ngon chính là độ đạm trong nước mắm.

    Tất cả các nhà sản xuất nước mắm làm từ cá chượp muối hiện nay đều phải áp dụng tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 (thay thế cho TCVN 5107:93 và TCVN 5526:91) do Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành. Tiêu chuẩn này có quy định các chỉ tiêu hóa học về hàm lượng nitơ thành phần, nitơ acid amin, hàm lượng muối… và các chỉ tiêu sinh vật như tổng số vi sinh vật hiếu chi, số khuẩn lạc Coliform, Ecoli, CI.perfringens, S.aureus, tổng số bào tử nấm men, nấm mốc… trong 1ml tối đa cho phép. Trong đó, hàm lượng đạm là một trong những yếu tố để phân loại nước mắm bởi tùy thuộc vào từng loại cá và thành phần nguyên liệu mà nước mắm có chất lượng và hàm lượng đạm khác nhau.

    Nước mắm được phân loại theo tiêu chuẩn: nước mắm loại nhất 15grN, loại thượng hạng 20grN, nước mắm loại đặc biệt 25grN (các con số 15, 20, 25 là hàm lượng đạm, N là niteur tức là đạm). Như vậy, nước mắm được đánh giá là ngon hay không tùy thuộc vào hàm lượng đạm trong nước mắm.

     

    Nên chọn mua loại nào?

    Hiện nay người ta đã sản xuất ra loại nước mắm 60 độ đạm bằng phương pháp chưng cất chân không trong điều kiện bay hơi. Phương pháp chưng cất chân không nước mắm này làm bớt các chất dễ bay hơi trong nước mắm. Lượng muối trong nước mắm ít (khoảng 22gr muối/lít) nên vị ngọt của nước mắm đậm đà hơn, mùi nhẹ hơn so với nước mắm thường. Theo các kết quả kiểm tra chất lượng, trong nước mắm 60 độ đạm có đến 20 acid amin (nước mắm thường chỉ có 13 loại). Ngoài các chỉ tiêu về độ đạm cao, nước mắm còn chứa nhiều Vitamin B12. Trong 100ml nước mắm có độ đạm cao chứa 1-5 microgram Vitamin B12 (cơ thể chỉ cần 1 microgram Vitamin B12 mỗi ngày). Do lượng muối trong nước mắm 60 độ đạm ít (khoảng 20gr muối/lít) nên vị ngọt của nước mắm đậm đà hơn, mùi nhẹ hơn nước mắm thường.

    Như vậy, với việc lựa chọn nước mắm 60 độ đạm, người tiêu dùng hoàn toàn an tâm về chất lượng cũng như các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

    Với các loại nước mắm bình thường khác, người tiêu dùng trước khi mua cần quan sát kỹ các chỉ tiêu về độ đạm…, chọn mua của những cơ sở sản xuất có uy tín để đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.

    Nguồn tin: (Theo Sức khỏe và Đời sống)

    Chọn nước mắm thế nào cho đúng?

    Từ bao đời, nước mắm đã trở thành thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn của gia đình người Việt. Theo thống kê, mỗi năm thị trường Việt Nam cần hơn 200 triệu lít nước mắm. Với hơn 95% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng nước mắm để chấm, ướp và nấu trong các bữa ăn quanh năm thì đây quả là một thị trường hấp dẫn.Tuy nhiên, cần lựa chọn thực phẩm này thế nào cho đúng?

     

    Độ đạm và chất lượng

    Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá linh, cá thiếu, cá cơm, cá thu, cá đối, cá quả… Ở Việt Nam, theo phương pháp cổ truyền, nước mắm được làm từ việc lên men cá, muối và nước (trong điều kiện yếm khí, các vi khuẩn lên men bắt đầu phân huỷ protein ở cá). Ngoài ra, có thêm đường, chất bảo quản, màu tự nhiên. Tuỳ loại cá, khu vực đánh bắt, thời gian đánh bắt cá và thành phần nguyên liệu mà nước mắm có chất lượng và hàm lượng đạm khác nhau. Hàm lượng đạm là một trong những yếu tố để phân loại chất lượng cho nước mắm. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107: 2003) thì:

    * Độ đạm >30No: Loại đặc biệt

    * Độ đạm >25No: Loại thượng hạng

    * Độ đạm >15No: Loại hạng 1

    * Độ đạm >10No: Loại hạng 2

    Nếu nhãn mác của sản phẩm không ghi rõ chỉ số độ đạm, khách hàng không nên chọn vì đây là chỉ số bắt buộc phải có của nhà sản xuất nước mắm. Những chai nước mắm không có yếu tố này là vi phạm qui định ghi nhãn hàng của Nhà nước.

     

    Độ đạm và giá cả

    Một trong những yếu tố quyết định giá thành của nước mắm là độ đạm. Do vậy, để có giá thành sản phẩm thấp mà không làm giảm lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp giữ nguyên độ đạm thấp bằng cách: thêm các chất điều vị và phụ gia để tạo “mùi thơm của mắm, vị ngọt của đạm”, hoặc sử dụng biện pháp pha loãng nước muối nhiều lần vào nước mắm có độ đạm cao, nhằm hạ độ đạm và hạ giá thành. Những loại nước mắm này thường không ngon và rất ít dinh dưỡng.

    Trường hợp nước mắm với độ đạm thấp, nhà sản xuất sẽ dùng các thủ thuật như ghi thông tin độ đạm ở nơi khó nhìn thấy, ghi tên ký hiệu, cỡ chữ nhỏ, không rõ ràng… để tránh sự chú ý của người tiêu dùng. Thêm vào đó, họ sẵn sàng dùng những chiêu ghi nhãn rất hấp dẫn: nước mắm cốt, làng mắm, đặc sản, các tên hương vị hấp dẫn… cộng với những chiêu quảng cáo như có lợi cho sức khoẻ, nước mắm sạch… nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Công nghệ chế biến nước mắm hiện nay được xem là công nghệ đơn giản nhất. Các DN thường mua nước mắm ở các cơ sở sản xuất tư nhân về pha chế. Họ thường chỉ chú ý đến độ đạm bao nhiêu để định giá thành mua bán, mà rất hiếm khi quan tâm đến việc sản xuất của các cơ sở tư nhân có đảm bảo VSATTP hay không, hay dùng nguồn nguyên liệu cá như thế nào…?

    Vậy làm thế nào để chọn được nước mắm ngon và dinh dưỡng? Khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng không nên bị thuyết phục chỉ vì bề ngoài bắt mắt, hay vì được quảng cáo nhiều, những thông điệp quảng cáo hay, mà nên chú ý đến những thông tin quan trọng và cần thiết được ghi trên nhãn sản phẩm như nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, nơi chế biến… Hãy nói “không” với các sản phẩm có nhãn mác ghi thông tin không rõ ràng, lập lờ các yếu tố quan trọng. Với nước mắm, nhất định cần phải chú ý tới thông số độ đạm khi mua.

    Nguồn tin: (Theo Sức khỏe và Đời sống)